"Lật tẩy" 5 thói xấu của người Việt khi đi xe máy

Những thói xấu khi đi xe máy của người Việt ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề gây ra những tai nạn giao thông đáng tiếc.

Tính vô kỷ luật cá nhân


Vì xe máy nhỏ gọn, nên luồn lách rất dễ. Mỗi khi kẹt đường là leo lên hè. Cho rằng mình nhảy lên có một chút thì đã sao, có mòn lề mòn gạch gì đâu. Hoặc sẵn sàng dắt xe trèo qua con lươn xi-măng, tức là dải phân cách giữa đường. Hoặc hễ thấy khó băng qua đường để quẹo trái, là lập tức quẹo trái ép sát lề trái mà không băng qua đường, nghĩa là chạy ngược chiều làn xe trước mặt rồi từ từ len vào dòng xe ngược chiều ấy để băng ngang đường. Hoặc chạy ngược dòng xe trong đường ghi bảng một chiều.

Tính tùy tiện




Vì xe máy dễ ngừng lại nên khi đang chạy chợt trông thấy tiệm bánh mì chẳng hạn là quay ngoắt lại để mua, mua xong rú ga phóng đi như bay vì chợt nhớ ra đã gần đến giờ hẹn đi nhậu. Sự ngừng tùy tiện của xe máy lại làm cho các quán ven đường cứ bày bán ngổn ngang trên lề, góp phần vào sự bát nháo của lề đường hè phố mà chính quyền không sao quản lý nổi.

Tính gian vặt


Đèn xanh của mình chưa lên nhưng đoán chừng đường bên kia sắp đèn đỏ nên đón đầu chạy trước. Có người hỏi “Tôi chỉ chạy trước khi đèn xanh có vài giây đồng hồ, gian vặt ở chỗ nào?” Xin thưa, trong giao thông có khái niệm “lượng thời gian an toàn”. Lượng thời gian an toàn là tài sản tự nhiên của người công dân sử dụng phương tiện giao thông. Khi bạn chưa có đèn xanh mà đã chạy, thì bạn đã “ăn gian” của xe cộ của con đường trước mặt một khoảng thời gian an toàn của họ.

Tính vô kỷ luật tập thể



Vì luật lệ không chặt chẽ, nên người ta cho rằng hễ cùng nhau phá luật thì không ai phạt mình nổi. Ít khi CSGT đuổi kịp và phạt nổi cả chục chiếc xe máy vượt đèn đỏ cùng một lúc.

Tính chụp giựt


Khi kẹt đường, ai cũng nhích lên từng tí, không ai nhường ai vì nếu nhường một người thì sẽ lại phải nhường thêm người nữa, cứ thế thì bao giờ mới đến nơi. Do đó mạnh ai nấy nhích, đức tính lịch sự mã thượng sẽ bị thui chột dần dần sau nhiều năm chạy xe máy. Tại sao lòng mã thượng sẽ mất ? Bởi vì, nếu bạn liên tục giành giật từng mét đường trong cả giờ đồng hồ kẹt xe, khi về đến ngõ nếu gặp một bà cụ chậm chạp đi qua, bạn khó mà nhường bước vì đang có cái “đà”, cái tư duy giành giật từng tấc vẫn còn nằm nguyên trong đầu bạn. Lúc này mà nói đến chuyện thương người nghèo, chuyện làm từ thiện thì khó mà “cảm” được.

Tính vô cảm


Ngày nào ta cũng phải mất hai ba tiếng đồng hồ toát mồ hôi dang nắng hít vào vài chục lít khói xe, đinh tai nhức óc vì tứ phía là tiếng còi xe, nhích từng tí trên những con đường thì những hình ảnh đẹp về một thành phố đô thị văn minh, lịch sử và hiện đại sẽ chỉ là hảo huyền.

Chưa kể đến những khi đang đi trên đường, gặp một tai nạn giao thông, không ai dừng lại để giúp đỡ vì sợ phiền phức vạ lây. Sự vô cảm từ đó dây chuyền và trở thành một phản xạ vô điều kiện cho sự vô cảm khi gặp người khác bị nạn trên đường...

"Thôi làm lơ tránh ra, không khéo lại vạ lây vào mình thì mệt!"

Lời kết:

Thực ra, cái xe máy hai bánh nó không có tội tình gì, nguyên nhân chính là do một xã hội đông đúc sống tập trung trong những thành phố chật hẹp và hầu như tất cả mọi người đều chạy xe máy. Cái xã hội ấy sẽ dần dần trở nên nhếch nhác, ô nhiễm, vô kỷ luật và sẽ đi xuống một cách thảm hại.

Theo Baodatviet
Previous
Next Post »